Chuyên Làng số
03/04/2024
Lượt xem: 484
Chuyện Làng Số
Khắc họa những con người cụ thể, công việc cụ thể, vấn đề cụ thể, cách làm cụ thể, công cụ cụ thể và kết quả cụ thể của người dân bình thường đã tự mình sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống.
HTX Mỹ Ðông 2, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp do ông Ngô Phước Dũng làm Giám đốc đã trở thành một trong những HTX tiêu biểu toàn quốc trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thực hiện thành công mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ”. Từ đó, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, mang lại lợi ích bền vững cho thành viên và người tiêu dùng.
Với diện tích 3ha (héc-ta) nhà lưới trồng dưa vàng, doanh nghiệp Điền Trạch Farm đã nghiên cứu và lựa chọn hệ thống điều tiết dinh dưỡng thông minh Nextfarm Fertikit 4G để giải quyết bài toán sản xuất với yêu cầu độ chính xác cao cho dưa kim vàng hoàng hậu. Hệ thống châm phân bón và nước tưới tiêu tự động đã giúp nâng cao tính chính xác và giảm thiểu tối đa sai sót từ con người, từ đó nâng cao năng suất 55%-60% so với trước đây.
Hiện nay, cây thanh long là loại cây ăn quả phổ biến và đem lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Ninh Thuận. Nhằm giúp cây thanh long tăng sản lượng và chất lượng tốt, bà con nhân dân Bình Thuận đã áp dụng các giải pháp chiếu sáng công nghệ cao của Rạng Đông, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng suất cây trồng.
Nông trang sử dụng ứng dụng AutoAgri (https://autoagri.vn) dựa trên nền tảng IoT kết hợp các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, ánh sáng. Trên cơ sở tự phân tích tình trạng sức khỏe cây trồng, ứng dụng đưa ra những chỉ thị phù hợp để cung cấp lượng nước, lượng phân tương thích đến từng gốc cây. Hiện sản phẩm “Bơ Ông Hoàng” của nông trang đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và có mặt tại những siêu thị hữu cơ tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu ra một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Campuchia.
Tháng 2 năm 2022, hợp tác xã Tuấn Ngọc bắt đầu ứng dụng hệ thống IoT của AgriConnect vào sản xuất rau thủy canh. Với bộ điều khiển được gắn cảm biến đến sát khu vực trồng rau, cho phép biết được nhiệt độ, độ ẩm của cây, trường hợp ánh sáng quá mạnh hay quá ít, hệ thống mái che tự động điều chỉnh, nếu độ ẩm trong không khí thấp, hệ thống tự động kích hoạt phun sương. Toàn bộ hệ thống IoT được cài đặt chỉ số và điều khiển qua điện thoại kết nối WiFi. Nhờ ứng dụng công nghệ tạo điều kiện môi trường tốt nhất cho rau sinh trưởng nên rau phát triển nhanh. Công nghệ IoT còn cho phép nông dân theo dõi hoạt động của vườn từ nhà qua máy tính hoặc điện thoại, phát hiện sớm và khắc phục vấn đề khi có sự cố.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, trong những năm gần đây một số trại tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu tiên phong triển khai giải pháp công nghệ nuôi trồng tôm thông minh do Tập đoàn Rynan Technologies cung cấp. Hệ thống bao gồm các cảm biến giúp người dân nắm bắt được các thông số của môi trường, từ đó có điều chỉnh phù hợp. Máy cho tôm ăn thông minh tự động điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày dựa trên tình trạng của tôm như mật độ, trọng lượng trung bình, chu kỳ lột vỏ và sức khỏe của tôm; chất lượng nước như độ pH, nhiệt độ, độ mặn và độ đục; và các yếu tố thời tiết khác như nắng, mưa, gió.
Năm 2019, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chị Giang đã thực hiện thủ tục đăng ký và sử dụng 20.000 tem QR của trung tâm mã số mã vạch quốc gia để truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho Keo cà gai leo Thanh Bình, việc này giúp gia đình chị quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết.
Người dân tại địa phương đã sớm triển khai đưa các sản phẩm của xã lên sàn thương mại điện tử PostMart. Trong thời gian 10 tháng (từ tháng 8/2020 đến hết 30/6/2021), số lượng sản phẩm bán ra là 4.204, tăng 4,5 lần; ước tính tăng thu nhập cho lao động của HTX từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng, gấp 03 lần so với trước đây.
Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 9.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 90.000 tấn. Để mở rộng đầu ra cho đặc sản và giảm sự phụ thuộc vào thương lái, những nông dân hợp tác xã Xoài Mỹ Xương đã triển khai bán trái cây qua mạng cho khách hàng khắp cả nước theo mô hình “Cây xoài nhà tôi” qua website: https://nongsancaolanh.vn
DFarm là một hệ thống trang trại cung cấp các loại nông sản, rau củ quả hữu cơ đến người tiêu dùng. Với đặc trưng nông sản hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản, doanh nghiệp luôn trăn trở làm sao để xây dựng một kênh bán hàng trực tuyến của riêng mình để trực tiếp quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng và giảm phụ thuộc vào thương lái, phân phối cho bên thứ ba. Qua quá trình tìm hiểu và thử nghiệm, DFarm quyết định chọn phương án xây dựng một gian hàng trực tuyến nhỏ, một trang web đơn sử dụng nền tảng Ladipage. Một Website đơn như vậy vừa đủ với nhu cầu quảng bá sản phẩm hữu cơ của người nông dân, vốn có số lượng sản phẩm ít nhưng thông tin mỗi sản phẩm đa dạng, yêu cầu nội dung, hình ảnh chân thực đủ sức thuyết phục khách hàng.
|